UBND TP.Hà Nội và Bộ GTVT tiến tới thống nhất vị trí xây dựng cầu Mễ Sở bắc qua sông Hồng, kết nối TP. Hà Nội với tỉnh Hưng Yên.
Bộ GTVT đã có phản hồi gửi UBND TP. Hà Nội liên quan đến vị trí xây dựng cầu Mễ Sở thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Vị trí xây dựng mới cầu Mễ Sở
Bộ GTVT thống nhất về nguyên tắc vị trí cầu Mễ Sở theo phương án đề xuất của UBND TP. Hà Nội, yêu cầu TP tiếp tục khảo sát chi tiết, nghiên cứu so sánh cụ thể các phương án thiết kế để chuẩn xác vị trí cầu Mễ Sở bảo đảm kinh tế - kỹ thuật, mỹ thuật, phát huy hiệu quả đầu tư công trình và thỏa thuận thống nhất với UBND tỉnh Hưng Yên về vị trí cầu.
Cầu Mễ Sở kết nối huyện Thường Tín (TP.Hà Nội) với huyện Văn Giang (Hưng Yên) thuộc đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo phương án ban đầu được đề xuất bởi liên danh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Phương Thành và Công ty Nguyên Minh, Dự án xây dựng cầu Mễ Sở và đường dẫn có tổng chiều dài 13,8 km, bề rộng 17 m kết nối Quốc lộ 1 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức BOT, thời gian hoàn vốn thời gian 22 năm 11 tháng.
Định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, cầu Mễ Sở được xác định tại vị trí cách trạm bơm Hồng Vân khoảng 200m về phía hạ lưu.
Theo phương án này, đường vành đai 4 đầu cầu đoạn trên địa phận TP. Hà Nội sẽ cắt qua khu di tích quốc gia Chùa Xâm Động, nằm trong hành lang an toàn tuyến điện cao thế 500Kv và 220 Kv hiện có, phải di dời cột điện khi thi công xây dựng tuyến đường. Đặc biệt, vị trí cầu theo phương án này không khớp nối được với đường đầu cầu phía Hưng Yên đã triển khai cắm mốc giới và quy hoạch các dự án đầu tư hai bên đường.
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội với tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối cao tốc theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long), được chia thành 7 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thứ đầu tư công kết hợp đầu tư PPP.
Dự án sẽ đi qua địa phận 3 tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Xét về tiến độ, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.